Viện Kỹ thuật giao thông trong thời kỳ khôi phục và phát triển GTVT sau khi đất nước thống nhất
Sau khi nước nhà thống nhất, một thời kỳ xây dựng mới bắt đầu. Thực hiện chỉ đạo chung, Viện đã cử nhiều cán bộ đi tăng cường cho các địa phương như: Lai Châu, Quảng Nam - Đà Nẵng, Sông Bé…. Lúc này, đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, tình hình thế giới cũng không được thuận lợi. Mỹ ráo riết thi hành chính sách bế quan tỏa cảng Việt Nam nên khó khăn, thiếu thốn rất nhiều.
Một số công trình lớn như cầu Thăng Long, đường sắt Thống Nhất đặt ra nhiều yêu cầu mới về công tác khoa học kỹ thuật. Điều này đòi hỏi Viện phải nỗ lực vươn lên không ngừng. Lúc này tiềm lực khoa học kỹ thuật của Viện đã được tăng cường cả về nhân lực và vật lực. Về nhân lực, Viện đã có cán bộ trên đại học và tiếp tục cử người đi nước ngoài theo chế độ thực tập sinh - nghiên cứu sinh. Về vật lực, nhiều phòng chuyên môn được trang bị thêm thiết bị tuy chưa thật hiện đại nhưng phần nào đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Trên cơ sở đó, ngày 29-12-1976 Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 4948 QĐ/TCCB xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Viện trong tình hình mới.
Tiếp đó, Viện vẫn được mở rộng và phát triển. Năm 1977, được sự cho phép của Bộ Giao thông vận tải, Viện đã thành lập Phân Viện Kỹ thuật giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mới đầu, Phân Viện được Thành phố phân cho ngôi nhà 74 phố Nguyễn Huỳnh Đức, sau đổi về trụ sở ở 84 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và hiện nay trụ sở tại số 03 Phạm Ngọc Thạch – TP. Hồ Chí Minh.
Hoạt động của Viện thời kỳ này có những đặc điểm sau:
- Viện đã có sự chuyển hướng từ nghiên cứu thực nghiệm sang nghiên cứu ứng dụng, kết hợp cả nghiên cứu lý thuyết nhưng nhấn mạnh nghiên cứu giải quyết các vấn đề kỹ thuật cụ thể, đồng thời đẩy mạnh triển khai các tiến bộ kỹ thuật.
- Cùng với việc đổi mới công tác quản lý khoa học kỹ thuật của Nhà nước, theo chỉ đạo của Hội đồng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước, công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật toàn quốc được tổ chức theo các chương trình Nhà nước. Nhờ vậy, các mặt nghiên cứu và triển khai của Viện đã gắn bó chặt chẽ và phát triển hơn.
- Công tác đào tạo cán bộ đã có bước chuyển biến mới. Cùng với các hình thức đào tạo qua hệ thống chuyên môn của Nhà nước, việc tự đào tạo và đào tạo lại được đẩy mạnh. Trong đó đặc biệt là việc Viện được tín nhiệm giao đào tạo cán bộ trên Đại học cho 03 chuyên ngành (Cầu, đường bộ và Cơ học kết cấu).
- Nhiều máy móc tự thiết kế và chế tạo đã phát huy hiệu qủa như các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu Công nghệ kim loại, nghiên cứu sơn, cao su. Các dụng cụ do Viên chế tạo khá tinh xảo trong giai đoạn này như Ten-xi-o-met đòn, Clê đo lực xiết bulông cường độ cao…
Viện đã hệ thống hóa các kết quả đạt được về khoa học kỹ thuật thành 13 vấn đề là:
1. Vật liệu xây dựng;
2. Cơ học đất;
3. Kỹ thuật mặt đường ôtô;
4. Kỹ thuật khai thác đá;
5. Cầu treo;
6. Cầu bê tông cốt thép dự ứng lực;
7. Giao thông nông thôn;
8. Kết cấu vỏ mỏng XMLT;
9. Phục hồi chi tiết máy;
10.Sử dụng hợp lý và tiết kiệm nhiên liệu;
11.Bảo vệ công trình và phương tiện;
12.Kỹ thuật điện tử phục vụ GTVT;
13.Phương pháp tính toán kết cấu và sử dụng MTĐT.
Viện luôn luôn coi trọng và hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất Bộ giao như: đóng góp vào việc xây dựng sân bay Nội Bài, Sao Vàng, Công trình 71; đảm bảo chất lượng nền mặt đường ở Quảng trường Ba Đình và khu vực Lăng Hồ Chủ Tịch.; xử lý kỹ thuật sự cố Cầu Rào; xử lý neo cầu Hoàng Thạch; thiết kế phương án kỹ thuật cầu treo Sông Hồng.
Theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 175-CP ngày 29 tháng 4 năm 1981về việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật, Viện bắt đầu triển khai mạnh các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật qua Hợp đồng.